Looker Studio là một nền tảng BI cho phép người dùng tạo báo cáo và…
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
“Nhiều năm trước, nếu nghe đến văn hóa doanh nghiệp, tôi sẽ đút tay vào túi quần và bỏ đi. Nhưng bây giờ, tôi liên tục nói về nó, dành thời gian cho nó. Đó là niềm tự hào, là sự khác biệt đã góp phần tạo sức mạnh đưa Thế giới di động phát triển như ngày hôm nay” – Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế giới di động.
Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì?
Hiểu một cách đơn giản, đó là những niềm tin, giá trị chi phối cách suy nghĩ và hành vi thực tế của mỗi thành viên trong một công ty.
Văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp – điều này không ai có thể phủ nhận. Đặc biệt ở trong kỷ nguyên công nghệ như hiện nay, văn hóa doanh nghiệp có thể là nền tảng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và ngược lại, nếu còn tồn đọng nhiều bất cập, sẽ là lực cản không hề nhỏ, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của mỗi công ty.
1.Xây dựng tính linh hoạt – Agility
Nguyên nhân? Bởi ngày nay, điều duy nhất không thay đổi – chính là sự thay đổi, với tốc độ chóng mặt.
Đặc biệt là đối với môi trường kinh doanh trong thời kì công nghệ, các doanh nghiệp lại càng phải nhanh nhạy với những dịch chuyển của môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp – những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của công ty.
Yếu tố đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi trong công nghệ: Những quy trình nghiệp vụ như quản lý chuỗi cung ứng, hàng tồn kho nếu trước đây phải chật vật để làm cũng chưa chắc đảm bảo được tính chính xác thì giờ đây đã có được sự hỗ trợ đắc lực từ các ứng dụng ERP. Để tối ưu được những giá trị mà chuyển đối số mang lại, doanh nghiệp cần phản ứng nhạy bén với những thay đổi trong công nghệ bằng cách nhanh chóng thay đổi hiện trạng vận hành của công ty hay đơn giản là định nghĩa lại vai trò của mỗi nhân viên.
Bên cạnh đó là những thay đổi khó lường trong thị trường khi định nghĩa “đối tác” và “đối thủ” không còn rõ ràng như ngày trước. Ngày nay sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một công ty chuyên bán điện thoại phát triển một chuỗi cửa hàng dược phẩm và một công ty đứng đầu về dịch vụ chia sẻ xe nhưng lại không sở hữu một chiếc xe nào. Vậy tính linh hoạt ở đây đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải vừa có khả năng đổi mới, vừa có thể nhanh chóng thích nghi, có hành động phản ứng với những thay đổi trong thị trường.
2. Cộng tác để làm việc – Collaboration
Nguyên nhân? Vì trong thời kì công nghệ số, mọi thứ đều được kết nối.
Với Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo, việc trao đổi thông tin không chỉ diễn ra giữa người với người, mà còn giữa người với máy móc, phần mềm hay giữa các phần mềm với nhau. Đơn cử như việc bạn nhận được cảnh báo email giả danh từ hệ thống khi đang chuẩn bị mở một email nhìn-có-vẻ-như-email-của-sếp.
Vậy văn hóa cộng tác mang màu sắc công nghệ sẽ như thế nào? – Đó là nơi không chỉ khuyến khích tinh thần chia sẻ thông tin, kiến thức, cùng làm việc với nhau mà còn trang bị các công cụ, nền tảng để thực hiện việc đó, bao gồm:
- Cộng tác giữa người với người
- Có sự kết nối giữa con người với phần mềm
- Các phần mềm “cộng tác” với nhau
Khi các phần mềm mà mọi người cùng sử dụng được kết nối với nhau trên cùng một nền tảng, việc quản lý, chia sẻ và truy cập thông tin sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ tránh được tình trạng “information silos” – nơi phòng nào biết việc phòng đấy, thông tin chỉ được lưu trữ trong phạm vi một bộ phận nhất định thay vì được chia sẻ giữa những phòng ban khác trong công ty. Điều này khiến tất cả mọi thành viên, kể cả người đứng đầu, không thể cùng làm việc hướng tới một mục tiêu chung và các quyết định đưa ra chỉ là “cảm tính”. Một trong những giải pháp giúp thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin, giao tiếp trong doanh nghiệp là Google G Suite – bao gồm gmail doanh nghiệp, video conference và Google Drive giúp lưu trữ, chia sẻ và bảo mật thông tin đồng thời cũng tạo nên một hệ sinh thái số bên trong mỗi doanh nghiệp
3. Lấy khách hàng làm trung tâm – Customer centricity
Nguyên nhân? Thứ nhất, công nghệ số đã và đang cho ra đời những mô hình kinh doanh mới lạ, mang tính chất phá vỡ thị trường, điển hình như Uber hay AirBnB. Giờ đây, bất kì công ty nào cũng có sự hiện diện trên Internet và dễ dàng tiếp cận khách hàng của bạn, việc tạo ra sự khác biệt so với những đối thủ ngoài kia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nguyên nhân thứ hai, không thể không kể đến, chính là khách hàng – họ hiểu biết hơn, được kết nối rộng hơn và ngày càng đòi hỏi nhiều hơn.
Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm là những đơn vị có nhiều khả năng tồn tại và phát triển nhất bởi họ luôn hướng đến vị trí số một trong lòng khách hàng. Việc lấy khách hàng làm trọng tâm, làm cốt lõi của việc kinh doanh, không chỉ đơn giản là mang đến một dịch vụ khách hàng tốt, mà mọi thứ công ty có và mọi việc công ty làm, đều phải bắt đầu bằng hai chữ “khách hàng”. Những công ty xây dựng được văn hóa customer centric:
- Họ thực sự có niềm tin rằng khách hàng là thượng đế (điều này không ám chỉ rằng khách hàng luôn đúng), tin rằng nếu không có khách hàng thì sẽ không thể thành công.
- Nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của khách hàng, tập trung vào những gì khách hàng mong muốn, từ đó phát triển sản phẩm và dịch vụ dựa trên những hiểu biết đã có.Ví dụ, marketer ở những công ty này hiểu khách hàng của mình muốn gì, chuyển dữ liệu khách hàng thành thông tin và chia sẻ chúng với các bộ phận khác.
Định nghĩa được customer centric mới chỉ là bước đầu. Hành động mới là cái tạo ra sự khác biệt và là yếu tố thách thức nhất. Trong khảo sát của KPMG về chiến lược khách hàng (Now or Never: 2016 Global CEO Outlook), 82% CEO đã bày tỏ quan ngại rằng: liệu trong 3 năm tới, khách hàng có còn cần sản phẩm và dịch vụ của công ty nữa không?
4. Đặt nhân viên lên hàng đầu – Employee centricity
Nguyên nhân? Một doanh nghiệp tốt được hình thành từ những nhân viên tốt.
Tuy nhiên để thu hút và giữ chân được nhân tài thì các công ty cần ý thức được về sự khác biệt thế hệ trong đội ngũ nhân sự. Baby Boomers (hay còn gọi là Gen X) đang dần nghỉ hưu và nguồn nhân lực thế hệ mới – Millennial generation (hay còn gọi là Gen Y – những người được sinh ra trong những năm 1982-2000) đang đặt ra những đòi hỏi khác biệt đối với mô hình gắn kết nhân viên của mỗi doanh nghiệp.
So với Gen X, Gen Y có một góc nhìn và kì vọng rất khác về trải nghiệm tại môi trường làm việc. Họ là tập hợp những người trẻ được trải nghiệm nền giáo dục toàn diện, rất thành thạo về công nghệ, tự tin, có khả năng multi-tasking và luôn tràn đầy năng lượng. Gen Y đặt kì vọng cao vào bản thân mình, luôn tìm kiếm những thử thách, mong muốn được học hỏi và tạo được những kết quả có ý nghĩa; tuy nhiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân cũng không kém phần quan trọng. Doanh nghiệp phải hiểu được điều này và chủ động tạo điều kiện để đáp ứng những khát vọng của họ.
Bốn yếu tố trên là những yêu cầu mà kỷ nguyên công nghệ đang đặt ra đối với văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên lý thuyết là vậy, hành động thực tế mới là điều quan trọng. Trước hết, chính người đứng đầu của mỗi công ty phải là tấm gương để mọi người học tập theo. Bản thân lãnh đạo phải hiểu được văn hóa của công ty mình và nhận ra được giá trị của việc thay đổi, từ đó mới có thể thúc đẩy và hướng dẫn các thành viên khác cùng thay đổi. Thứ hai, mỗi thành viên cần phát triển được cái gọi là “skill to upskill” (khả năng chủ động học hỏi và thích nghi với những cái mới), chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy sự chuyển biến thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.
Cập nhật: Gimasys